Nâng cấp chợ truyền thống để sạch sẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm hơn
Đại diện Bộ Công thương cho biết chỉ có 25% thực phẩm được cung cấp qua siêu thị để tới tay người tiêu dùng, còn 70% vẫn đang qua chợ truyền thống và thường không kiểm soát được yêu cầu an toàn thực phẩm. Do đó, trong tháng 12 này, Bộ Công thương sẽ trình […]
Đại diện Bộ Công thương cho biết chỉ có 25% thực phẩm được cung cấp qua siêu thị để tới tay người tiêu dùng, còn 70% vẫn đang qua chợ truyền thống và thường không kiểm soát được yêu cầu an toàn thực phẩm. Do đó, trong tháng 12 này, Bộ Công thương sẽ trình dự thảo nghị định về việc nâng cấp các chợ truyền thống để phù hợp với các tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Ngày 7-12 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Tọa đàm Phát triển bền vững hệ thống phân phối an toàn thực phẩm nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trong Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, giao Bộ Công thương phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm.
Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để đảm bảo quản lý an toàn hiệu quả và bền vững đối với mặt hàng thực phẩm, Bộ Công thương đã triển khai các chính sách phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại, văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo xây dựng hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, Bộ Công thương đã triển khai các giải pháp như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng các hệ thống phân phối bán lẻ theo hướng hiện đại, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn bên cạnh việc đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại còn xây dựng được những chuỗi cửa hàng thực phẩm chuyên doanh, các cửa hàng tiện lợi. Hoặc những cửa hàng tạp hóa được phân phối bởi những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và lồng ghép chương trình này vào chương trình bình ổn thị trường tại hơn 50 tỉnh, thành phố để xây dựng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn với tiêu chí quan trọng số 1 đó là bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá cả hợp lý.
Tham gia thảo luận dưới góc độ doanh nghiệp cung ứng và phân phối thực phẩm, ông Nguyễn Quốc Trung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Masan MeatLife cho rằng, để kiểm soát được chất lượng và an toàn thực phẩm thì không chỉ làm phần ngọn mà phải làm từ gốc mới đảm bảo quản lý được cả chuỗi giá trị “từ trang trại đến bàn ăn”.
Ông Trung dẫn chứng, tại trang trại của MeatLife hiện có cả trang trại heo và trang trại gà, đạt chuẩn GlobalGAP để đảm bảo kiểm soát được chất lượng ngay từ gốc. Với heo thịt MEATDeli thì con giống được nhập từ Canada và thức ăn chăn nuôi cũng phải sử dụng nguồn từ nhà máy đạt chuẩn GlobalGAP.
“Trang trại của Masan MeatLife ở Nghệ An với 12.000 heo nái, một năm có thể sản xuất ra 250.000 con heo thịt đạt chuẩn GlobalGAP, vừa rồi được chọn là nguyên mẫu đầu tiên của chương trình chăn nuôi an toàn sinh học và khống chế dịch bệnh theo tiêu chuẩn của châu Âu cho Việt Nam, dự kiến sẽ được chứng nhận vào tháng 6-2023”- ông Trung cho biết.
Có sản phẩm sạch bệnh nhưng theo ông Trung, phát triển được hệ thống phân phối mới là quan trọng. Hiện Masan MaetLife mới chỉ có hơn 4.000 điểm bán, chiến lược mục tiêu đến năm 2026 phải có hơn 10.000 điểm bán phủ khắp 63 tỉnh và thành phố (mỗi xã, thị trấn sẽ có 1 điểm bán của WinMart+ và MEATDeli).
Nhất trí với chính sách phát triển hạ tầng thương mại hiện đại để đảm bảo an toàn thực phẩm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho rằng, khó khăn hiện nay là “lượng hàng bảo đảm an toàn thực phẩm muốn vào siêu thị lớn hơn so với khả năng các siêu thị có thể tải được, bán hàng được”.
Theo đại diện Bộ Công thương, mặc dù chúng ta đã có những sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có quy trình công nghệ tốt, có hệ thống kiểm tra, kiểm soát và chứng nhận chất lượng tốt, thậm chí đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh mà có chứng nhận, chứng chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm thì vẫn còn hạn chế. “Cho tới nay, 70% thực phẩm vẫn là qua chợ, còn các siêu thị mới chỉ tải được khoảng 25%, còn lại số ít qua kênh thương mại điện tử”- bà Nga nói.
Vấn đề đặt ra là cần xây dựng được một môi trường kinh doanh tốt để các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi kinh doanh thực phẩm hiện đại. “Thời gian tới, làm thế nào để nhân nhanh được hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại. Nguồn vốn từ đâu, từ FDI hay từ người dân đóng góp, hay từ doanh nghiệp huy động?”- bà Nga nói và cho biết trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ cùng ngồi lại với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… để tìm nguồn vốn đầu tư phát triển nhanh hệ thống phân phối thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, nhanh chóng cải tạo hạ tầng thương mại tại các chợ truyền thống.
Trong tháng 12, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ xem xét nghị định về quản lý và phát triển chợ, trong đó đặt ra vấn đề chợ truyền thống sẽ được khai thác như thế nào. Nhà nước có thể xây dựng hạ tầng thương mại ở các chợ truyền thống sạch sẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm, có những nguồn vốn cho vay để đầu tư máy móc, thiết bị giúp bảo quản thực phẩm an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu mua thực phẩm sạch của người tiêu dùng.
Bà Nga cho rằng, hiện nay đang có những mô hình hay, chẳng hạn như hệ thống MM Mega Market đã chuẩn bị chương trình đưa hàng của họ vào các cửa hàng tạp hóa; hoặc One Mount Group của Tập đoàn Vingroup và Techcombank sẽ có những gói hỗ trợ về tài chính để đưa hàng hóa vào kênh cửa hàng tạp hóa, thì sẽ có hàng hóa tốt hơn để đưa vào các kênh phân phối, số lượng lên tới 2 triệu điểm bán hàng tại Việt Nam.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng