Masan – Thời đến không đỡ nổi
Ba năm về trước, thông tin MASAN mua lại VinCommerce và VinEco đã khiến báo chí và dân mạng bàn ra tán vào vô cùng sốt ruột. Hầu hết đều tò mò cho tình hình sức khoẻ tài chính của VIN, cũng như tính toán của MASAN, khi tới thời điểm đó, cả 2 mảng […]
Ba năm về trước, thông tin MASAN mua lại VinCommerce và VinEco đã khiến báo chí và dân mạng bàn ra tán vào vô cùng sốt ruột. Hầu hết đều tò mò cho tình hình sức khoẻ tài chính của VIN, cũng như tính toán của MASAN, khi tới thời điểm đó, cả 2 mảng kinh doanh này vẫn đang bù lỗ nặng nề.
Bỏ qua những hoạch định của các chiến lược gia FB, MASAN đã có một cuộc cải tổ ngoạn mục đối với hệ thống phân phối khổng lồ này để biến nó thành mắt xích quan trọng còn thiếu duy nhất trong chuỗi cung ứng MASAN. Sau 7 quý gánh lỗ, ông chủ mới của VinCommerce đã khiến hệ thống này lần đầu tiên có lợi nhuận.
Để hiểu được ý nghĩa của việc bước chân vào ngành nghề cạnh tranh nhất thế giới là bán lẻ đối với MASAN, phải nhìn vào tình hình kinh doanh năm 2021 – năm khó khăn và tang thương nhất của nền kinh tế, doanh thu của hàng tiêu dùng và bán lẻ của MASAN vẫn đạt 58.000 tỉ đồng, tăng trưởng 6,9% gấp gần 3 lần tăng trưởng GDP, trong đó mảng thương mại (nay là WinCommerce) đóng góp 30.900 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch MASAN đã từng thẳng thắn chia sẻ rằng, việc mua VinCommerce và gánh khoản lỗ 100 triệu USD năm 2019, là một bước lùi, nhưng cần thiết cho các kế hoạch tương lai. Thương vụ này thậm chí khiến giá cổ phiếu MASAN lao đao trong một thời gian, và cho tới thời điểm hiện tại, mọi diễn biến thị trường đã cho thấy ông Quang, như trong tất cả những quyết định chiến lược từ trước tới nay, đã đặt vào đúng cửa.
Sự phát triển của WinCommerce không chỉ khiến hàng tiêu dùng của MASAN dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn, mà còn mở ra một “hành lang hàng nội” luôn ưu ái đối với các nhà sản xuất Việt. Tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống này luôn duy trì ở mức trên 90%. Mỗi % tăng trưởng của hệ thống này, đều có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với kinh tế đất nước.
Sứ mệnh ngắn gọn “Phụng sự người tiêu dùng Việt” của MASAN, không phải là lời chót lưỡi đầu môi, khi từ những thực phẩm tươi ngon chất lượng, cho tới các sản phẩm hàng tiêu dùng có mặt trong tất cả các bếp ăn, phòng tắm giặt và phòng ngủ của người Việt, đều được tiêu thụ ở mức tăng trưởng 2 con số. MASAN cũng là một trung gian quan trọng kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn các tỉnh thành.
Tất cả những nỗ lực âm thầm, tích luỹ trong trong hàng thập kỷ này không phải ngẫu nhiên, nó đều là để hiện thực hoá một chiến lược thế kỷ của MASAN, mà nếu để ý trên báo chí, truyền thông những ngày gần đây, và nhìn lại chặng đường liên tục của họ từ năm 1996, sẽ hiểu được một tầm nhìn xa, xuyên suốt của ban lãnh đạo tập đoàn từ những ngày đầu.
Vào ngày 9/9/2022, tập đoàn MASAN đã ra mắt hệ sinh thái WINLife “Trọn vẹn điều bạn cần”, với mục đích đáp ứng toàn bộ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với trải nghiệm tiện lợi, xuyên suốt offline-to-online, tại điểm đến “tất cả trong một”, nơi khách hàng có thể mua sắm, chi tiêu tất cả những gì thiết yếu nhất trong cuộc sống. WINLife hiện mở đầu với 27 cửa hàng, với không gian mua sắm cực kỳ hiện đại, được thiết kế có quầy đảo và khu vực thanh toán trung tâm 360 độ, do các kiến trúc sư người Pháp thuộc công ty Malherbe tư vấn. Đây là đơn vị có trụ sở tại Paris từng thiết kế nhiều showroom cho các thương hiệu nổi tiếng như Dior, Louis Vuitton, Huawei.
Sự đầu tư của MASAN không chỉ ở hạ tầng và decor – những yếu tố mà ưu thế sẽ không giữ được mãi theo thời gian, mà còn nỗ lực một tư duy thương mại, bán lẻ phù hợp nhất với cuộc sống thị dân, và là một trợ lực cho các thương hiệu, nhà sản xuất Việt chiếm lĩnh thị trường, điều mà người Hàn và người Thái đã làm nhiều năm qua.
Việt Nam là quốc gia đô thị hoá nhanh nhất Đông Nam Á, với 100 triệu dân và thu nhập sẽ đạt 5.000 USD vào năm 2025, thị trường bán lẻ của Việt Nam là khổng lồ, là mảnh ruộng màu mỡ cho tất cả cùng gặt hái những thành công vĩ đại. Hay nói theo phong cách của Narendra Modi, với 100 triệu người giàu có luôn sẵn sàng chi tiêu, không có kỳ tích nào là bất khả. Mảnh ruộng ấy đã được MASAN sẵn sàng, đang chờ những doanh nhân Việt gieo mầm, để hiện thực hoá giấc mơ Make in Vietnam.
Chúng ta đã nghe quá nhàm tai về câu thần chú “người Việt dùng hàng Việt”, nhưng “hàng Việt” được bán ở đâu, chất lượng thế nào, có tạo được sự thuận lợi trong tiếp cận và sự tin tưởng với chính người Việt hay không, thì ta chưa từng nghe nói đến.
Và MASAN, với vị thế là nhà bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm hàng đầu, mang trên vai sứ mệnh gánh team lịch sử, có lẽ đang cố gắng trả lời những câu hỏi rất chính đáng đó của người tiêu dùng Việt chúng ta.
Thời đến không đỡ nổi. Khó khăn tại thời điểm này, và cũng là duy nhất của MASAN, có lẽ chỉ làm sao vượt qua … chính mình, mà thôi.
(Ảnh Mr Quang Chủ tịch MASAN tại ĐHCĐ)
Nguồn: Góc nhìn